Experiential Marketing (Marketing trải nghiệm) không phải là một xu hướng mới nhưng lại tương đối nổi bật trong thời đại công nghệ mới. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đang dần chú trọng hơn vào các hoạt động tiếp thị thu hút sự tương tác tự nhiên từ khách hàng. Tiếp xúc trực tiếp với khách hàng không chỉ là một phần quan trọng trong chiến lược marketing của một doanh nghiệp mà còn là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ thân thiện và chắc chắn với họ. Trong thời đại số hóa ngày nay, sự tương tác này có thể xảy ra qua nhiều kênh, từ giao diện trực tuyến đến sự kiện trực tiếp.
Experiential Marketing là gì?
Tiếp thị trải nghiệm (Experiential Marketing) còn được biết đến với các tên gọi như tiếp thị thương hiệu trải nghiệm (Experiential brand marketing), tiếp thị cơ sở (Grassroots marketing), tiếp thị tương tác (Engagement marketing) hoặc tiếp thị trực tiếp (Live marketing). Đây là phương pháp tiếp thị tập trung vào việc kết nối thương hiệu với người tiêu dùng thông qua trải nghiệm. Các hoạt động tương tác thường được diễn ra trực tiếp và có sự hỗ trợ của kỹ thuật số, với toàn bộ giao diện được thiết kế để mang đặc trưng thương hiệu.
Các doanh nghiệp có thể sử dụng tiếp thị trải trải nghiệm để kích thích các giác quan của khách hàng, tạo ra một cảm giác tham gia tích cực và tạo ra một môi trường tương tác trực tiếp. Theo báo cáo của Forbes (2018), tiếp thị trải trải nghiệm giúp củng cố mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu.
Thay vì chỉ tập trung vào việc truyền tải, lan truyền các nội dung, thông điệp qua hình ảnh, video thì tiếp thị trải nghiệm sẽ để khách hàng tự trải nghiệm và có được những cảm nhận của riêng mình, từ đó khách hàng sẽ có ấn tượng sâu sắc và niềm tin lớn hơn đối với sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu theo cách tự nhiên nhất. Có rất nhiều tiêu chí phân loại các hình thức marketing trải nghiệm, nhưng trong đó sẽ có 7 hình thức mà bạn sẽ bắt gặp nhiều hơn cả:
- Sử dụng công nghệ ảo giới thiệu sản phẩm
- Trải nghiệm đắm chìm
- Trải nghiệm kỳ thú
- Sáng kiến của doanh nghiệp
- Tổ chức sự kiện
- Chương trình kích hoạt thương hiệu
- Tiếp thị du kích
Vai trò của Experiential Marketing – Tiếp thị trải nghiệm
Tạo nên trải nghiệm độc đáo, thúc đẩy sự tương tác toàn diện
Sự kiện hoặc các hoạt động trải nghiệm trực tiếp thường thu hút sự chú ý lớn từ phía cộng đồng và truyền thông. Điều này giúp tăng cơ hội tiếp cận với một lượng lớn khách hàng tiềm năng và tạo ra một làn sóng tích cực về thương hiệu. Một sự kiện thành công không chỉ tạo ra sự chú ý ngay lúc diễn ra mà còn có thể lan rộng qua các kênh truyền thông xã hội và báo chí.
Khi khách hàng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhãn hàng thông qua sự kiện hoặc các hoạt động trải nghiệm, họ được chứng kiến những điều không thể trải nghiệm qua màn hình. Sự tương tác trực tiếp cho phép họ cảm nhận, ngửi thấy và thậm chí thưởng thức sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Điều này tạo ra một ấn tượng sâu sắc hơn và gắn kết mạnh mẽ hơn với thương hiệu.
Một chiến lược marketing hiệu quả không chỉ tập trung vào một kênh duy nhất mà là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều kênh khác nhau. Sự tương tác trực tiếp với khách hàng thông qua các sự kiện và hoạt động trải nghiệm không chỉ là một phần quan trọng của chiến lược này mà còn là chìa khóa để thúc đẩy sự tương tác toàn diện. Khi kết hợp với các hoạt động truyền thông trực tuyến, nhãn hàng có thể tạo ra một trải nghiệm đa chiều và cuốn hút cho khách hàng.
Tăng độ nhận diện thương hiệu
Tiếp thị trải nghiệm là một trong những cách tốt nhất có thể để thúc đẩy khách hàng nói về thương hiệu. Theo G2 and Heinz Marketing, 92% khách hàng B2B có khả năng mua hàng hơn sau khi đọc những review đáng tin cậy.
Dù sự tương tác trực tiếp thường được liên kết với các sự kiện offline, nhưng không có nghĩa rằng nó không thể được áp dụng trong không gian trực tuyến. Các buổi trò chuyện trực tiếp trên mạng xã hội, các buổi tương tác trực tuyến qua video, hoặc thậm chí là việc tạo ra các trải nghiệm ảo cũng có thể mang lại những lợi ích tương tự. Điều quan trọng là tạo ra một môi trường nơi khách hàng có thể cảm nhận được sự cá nhân hóa và sự quan tâm từ phía nhãn hàng.
Xây dựng mối quan hệ với khách hàng
Sự tương tác trực tiếp giúp tăng cường sự tín nhiệm từ phía khách hàng. Khi họ có cơ hội thấy sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu hoạt động trong thực tế và được giải đáp mọi thắc mắc trực tiếp, họ cảm thấy tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định mua hàng. Điều này giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi và tạo ra một cộng đồng khách hàng trung thành.
Ngoài ra, tiếp thị trải nghiệm không chỉ khiến khách hàng nói về thương hiệu mà còn khiến họ nói theo cách tốt nhất có thể. Sự tương tác trực tiếp giúp xây dựng một cầu nối tinh tế giữa nhãn hàng và khách hàng. Thay vì chỉ là một cái tên trên màn hình, khách hàng có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhân viên, đại diện của thương hiệu. Điều này tạo ra một cảm giác được quan tâm và đánh giá, giúp họ cảm thấy thực sự kết nối với nhãn hàng hơn.
Tối ưu giá trị các điểm chạm
Để trải nghiệm đủ tốt, mọi chiến lược của một doanh nghiệp đều phải luôn hướng về việc tạo ra được thật nhiều điểm chạm với khách hàng mục tiêu, để họ hài lòng và thỏa mãn với sản phẩm có được, từ đó dẫn đến hành vi là chia sẻ trải nghiệm mới mẻ này cho những người xung quanh. Về cơ bản, marketing trải nghiệm còn là một hình thức tối ưu các điểm chạm trong hành trình trải nghiệm của khách hàng. Các điểm chạm có thể là mọi nơi mà khách hàng tiếp xúc với thương hiệu, từ trải nghiệm trực tiếp tại cửa hàng đến website, mạng xã hội, dịch vụ hỗ trợ khách hàng và nhiều nơi khác. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một trải nghiệm tích cực và đáng nhớ cho khách hàng tại mỗi điểm chạm, từ đó tăng cường sự hài lòng, lòng trung thành và tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng.
3 chiến dịch tiếp thị trải nghiệm ấn tượng trên thế giới
McDonald’s với chiến dịch tặng miễn phí MCFlurry bằng biển quảng cáo cảm biến nhiệt
Với cái nóng mùa hè ập đến như đổ lửa, có lẽ không có gì tuyệt vời hơn là được thưởng thức một món ngon mát lạnh. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s hiểu rất rõ cảm giác đó và cho ra đời chiến dịch tặng kem miễn phí bằng một biển quảng cáo cảm biến nhiệt vào năm 2015 tại Hà Lan.
McDonald’s hợp tác với công ty quảng cáo ngoài trời JCDecaux để đưa ra một bảng quảng cáo ‘phân phát’ cốc đựng McFlurry miễn phí trong thời tiết nắng nóng, hoạt động bởi một tấm cảm ứng nhiệt. Khi bảng điều khiển cảm nhận được thời tiết bên ngoài đạt kỷ lục 38,6 độ C (101,48 độ F), một tấm chắn thủy tinh được nâng lên, cho phép người đi bộ ngang qua lấy những lấy cốc và đổi lấy kem miễn phí từ cửa hàng McDonald’s gần nhất.
Chỉ với một bảng quảng cáo, McDonald’s đã cung cấp hơn 100 cốc kem miễn phí cho người tiêu dùng ở Amsterdam Hà Lan. Đây ví dụ điển hình về cách McDonald’s cố gắng tận dụng tiếp thị trải nghiệm một cách gần gũi, thực tế để mang lại cho khách hàng cảm giác được đáp ứng đúng nhu cầu. Thông qua chiến dịch mang đầy tính sáng tạo độc đáo này, McDonald’s đã thành công trong việc tăng mức độ trung thành cũng như sự nhận thức về thương hiệu từ phía khách hàng.
Burger King với chiến dịch Winter Whopperland và những chiếc poster đầy thu hút
Tháng 12/2019, Burger King thực sự đã bắt nhịp với tinh thần ngày lễ và cho ra mắt chiến dịch “Winter Whopperland” – tặng Whoppers và đồ uống miễn phí. Công ty quảng cáo Alchemy Media đã giúp chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh gây bất ngờ cho người dân Los Angeles bằng cách đặt các “áp phích bóc vỏ” ở hơn 100 địa điểm chiến lược quanh thành phố.
Cụ thể, thay vì chỉ dán 1 tấm áp phích quảng cáo lên tường như thông thường, Burger King sử dụng nhiều tấm áp phích dán chồng lên nhau tạo thành nhiều lớp có thể bóc tách dễ dàng. Người đi ngang qua ngay lập tức bị thu hút bởi những tấm áp phích to với màu sắc bắt mắt và thông điệp “peel me” (hãy bóc tôi) gây cảm giác tò mò, từ đó thúc đẩy hành động trải nghiệm việc “bóc” thú vị này.
Mỗi tấm áp phích được gỡ xuống tương đương với một voucher nhận bánh whopper miễn phí. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể nhận đồ uống miễn phí từ Burger King khi quét mã QR in trên các tấm áp phích.
Nutella với chiếc standee “khen ngợi”
Trong một chiến dịch diễn ra trên đường phố Amsterdam năm 2017, Nutella đã khiến những người qua đường phải bất ngờ và khiến họ tự nguyện dừng lại để tương tác. Với thông điệp “Compliments always make people smile” (Lời khen ngợi luôn làm người ta cười tươi”), Nutella kết hợp cùng công ty quảng cáo ngoài trời JCDecaux cho ra mắt một chiếc Interactive Standee có thể trò chuyện trực tiếp với người dùng.
Hãng sử dụng giọng nói của diễn viên hài người Hà Lan – Ruben van der Meer để dành lời khen cho những người đi đường qua chiếc Interactive Standee này. Họ có thể đáp lại lời khen đó và trải nghiệm cuộc đối thoại hai chiều dù trước mặt chỉ là một tấm biển quảng cáo. Sau khi trò chuyện vui vẻ với với nhân vật hết sức vui tính và dễ thương, nhân viên Nutella đang trực ở đó sẽ lập tức xuất hiện để gửi tặng người dùng một lọ mứt kèm theo thông điệp đáng yêu.